Sau vài tiếng ăn nốt cơm và mì thừa mang từ nhà hàng về, nam sinh 19 tuổi nhập viện với tình trạng suy đa tạng và sau đó phải cắt cụt cả chân và các ngón tay.
Theo báo cáo từ Tạp chí Y khoa The New England Journal of Medicine, một sinh viên Đại học Massachusetts (Mỹ) đã ăn cơm, thịt gà và mì xào mang về từ nhà hàng. Sau đó, cậu cảm thấy đau bụng rồi da bắt đầu tím tái.
Nam sinh nhập viện vì “sốc, suy đa tạng, phát ban” và tình trạng nhanh chóng xấu đi. Bệnh nhân thở bất thường, huyết áp cao và nôn mửa. Báo cáo cho biết, nam sinh này vốn khỏe mạnh, có thói quen hay uống rượu và hút thuốc.
Sau một số xét nghiệm thêm, bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh meningococcal purpura fulminan gây cứng cổ, nôn mửa, trụy hô hấp, sốc và suy các cơ quan. Theo báo cáo, tình trạng ban xuất huyết tối cấp (purpura fulminan) mà nam sinh này gặp phải là một biến chứng hiếm gặp, đi kèm với sốc nhiễm trùng.
Ăn đồ thừa bảo quản không đúng cách có thể bị ngộ độc thực phẩm. Ảnh minh họa
Tình trạng này do vi khuẩn gây ra, với các triệu chứng như sốt đột ngột và nôn mửa. Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cảnh báo, bệnh này có thể “dẫn tới chết người chỉ trong vòng vài tiếng”.
Với trường hợp nam sinh trên, khi ở viện, tình trạng của cậu xấu đi và phát sinh thêm chứng hoại tử – các tế bào và mô bị chết. Tới mức này, các bác sĩ đành cắt cụt 2 chân và các ngón tay của bệnh nhân. Nam sinh cũng phải sử dụng máy duy trì nhịp tim trong 13 ngày để điều trị tình trạng rối loạn chức năng tim.
Trước đây, các chuyên gia từng cảnh báo về mối nguy hiểm của việc bảo quản không đúng cách cơm thừa do các món như cơm và mì có thể mang một loại vi khuẩn được gọi là Bacillus cereus.
Theo một báo cáo trên tạp chí Journal of Clinical Microbiology, năm 2008, một thiếu niên đã tử vong trong khi ngủ sau khi ăn mì thừa không được bảo quản trong tủ lạnh qua đêm. Các nhân viên y tế cho biết, bệnh nhân này đã tiêm một liều vắc xin ngừa vi khuẩn meningococcal nhưng chưa được tiêm liều tăng cường như khuyến cáo. Bạn cùng phòng với cậu cũng ăn đồ thừa và bị nôn nhưng không gặp phản ứng đe dọa tới tính mạng.
Bảo quản cơm, mỳ thừa thế nào để khi ăn không gây hại cho sức khỏe?
Theo các chuyên gia sức khỏe, bạn nên cẩn trọng khi ăn cơm rang hay cơm thừa. Lý do là, một vài loại thực phẩm khô, bao gồm cơm và mì, chứa một loại vi khuẩn gọi là Bacillus cereus – thứ sản sinh ra một chất độc khi đun nóng và để ở ngoài quá lâu, theo Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa bệnh Mỹ (CDC). Chất độc này có thể khiến bạn mắc bệnh.
“Cơm rang chắc chắn là một trong những thực phẩm phổ biến nhất mang vi khuẩn Bacillus cereus”, tiến sĩ Sam Crowe, một chuyên gia dịch tễ tại CDC cho biết.
Cơm rang là một trong những món có thể chứa vi khuẩn gây bệnh. Ảnh minh họa
Theo tiến sĩ Crowe, cơm rang thường liên quan tới sự bùng phát vi khuẩn này bởi chính cách nó được chế biến. Nếu một lượng lớn cơm được nấu ở nhà hàng hay tại gia đình được để ở nhiệt độ phòng cho nguội trong vài giờ, vi khuẩn này (trông giống như các bào tử) có thể sinh ra. Sau đó, cơm nguội đã nhiễm khuẩn được rang trong chảo cùng các nguyên liệu khác, thường ở nhiệt độ không đủ nóng để tiêu diệt chất độc.
Khi được ăn vào, các bào tử đã nảy mầm hay các chất độc đã được tạo ra có thể gây nôn mửa hay tiêu chảy.
Việc quan trọng để ngăn ngừa tình trạng này là làm sao để vi khuẩn không sinh sôi sau khi thức ăn được nấu chín. Chuyên gia Crowe khuyến cáo, để nhanh chóng làm nguội cơm thừa, nên cất vào những hộp nhỏ và nông.
Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì?
Vi khuẩn B. cereus là một mầm bệnh gây 2 loại bệnh.Theo CDC, nếu tiêu thụ một lượng lớn chất độc, nó sẽ gây ra chứng nôn mửa từ 30 phút đến sáu giờ sau khi ăn. Nếu các bào tử gặp yếu tố thuận lợi được ăn vào và sinh ra trong ruột, nó sẽ gây tiêu chảy đến 16 giờ sau khi vào cơ thể bạn. Tình trạng nôn mửa và tiêu chảy đều có thể kéo dài tới 24 giờ.
Với chứng ngộ độc thực phẩm thông thường, nghỉ ngơi và nạp đủ nước là cách điều trị tốt nhất. Nếu bị mất nhiều nước và không thể bù dịch kịp thời thì cần được đưa tới cơ sở y tế để được chăm sóc. Những ai thấy bệnh ngày càng nặng và tình trạng không cải thiện trong vòng 12 tới 24 tiếng cũng nên tìm kiếm sự hỗ trợ y tế.
Theo tiến sĩ Crowe, bệnh nôn mửa đôi khi cũng liên quan đến suy gan. “Chất độc có thể tấn công vào gan và gây các tình trạng nghiêm trọng, từ đó khiến gan ngừng hoạt động. Mặc dù vậy, đây là trường hợp rất hiếm xảy ra”, ông nói.
Theo các chuyên gia có thể ăn cơm đã để vài ngày miễn là bảo quản và hâm nóng đúng cách. Ảnh minh họa
Làm thế nào để tránh ngộ độc do ăn cơm thừa?
Cơm dễ thiu trong quá trình nguội. Cơm sau khi nấu cần được ủ cực nóng hoặc làm nguội nhanh chóng. Theo CDC, “vùng nguy hiểm” cho vi khuẩn phát triển là trong khoảng nhiệt độ từ 4,5 độ C và 60 độ C.
Dưới đây là cách ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm từ việc hâm nóng hay ăn cơm thừa:
Rang hay ăn cơm hoặc cất tủ lạnh cơm thừa trong vòng 2 tiếng sau khi nấu.
Đừng cất cả nồi cơm to vào tủ lạnh. Trong việc bảo quản cơm thừa, điều quan trọng là kích cỡ đồ chứa chứ không phải nguyên liệu đựng cơm.
Nếu còn thừa nhiều cơm, nên chia ra các hộp đựng nông và nhỏ để cơm nguội nhanh và ngăn vi khuẩn phát triển.
Không để cơm đã nấu ở nhiệt độ phòng qua đêm.
Tìm sự hỗ trợ y tế nếu có các triệu chứng ngộ độc thực phẩm không giảm sau 24 tiếng.
Vậy hâm nóng rồi ăn cơm nguội đã để vài ngày liệu có an toàn?
Có. Cơm để vài ngày vẫn ăn được, điều quan trọng là nó được bảo quản đúng cách và không để lâu ở nhiệt độ phòng.
“Các bào tử có trong thực phẩm. Đó không phải là mối lo ngại. Trừ khi bào tử nảy mầm” Vijay Juneja, nhà khoa học tại Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết.
Theo Juneja, việc hâm nóng thực phẩm đúng cách cũng quan trọng. Hâm nóng không đủ có thể kích thích bào tử và khiến chúng phát triển.
“Hâm nóng thức ăn thừa ở nhiệt độ cao để có thể tiêu diệt bất cứ bào tử nào tồn tại trong thực phẩm. Ăn đồ đã bảo quản vài ngày không sao cả, miễn là chúng được bảo quản đúng”, chuyên gia Juneja nói.
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/nam-sinh-suyt-chet-vi-an-com-thua-hay-bao-quan-va-…
Chúng ta vẫn hay bảo nhau tránh ăn đồ thừa và hạn chế các món tinh bột nếu muốn giảm cân, bớt béo bụng. Thế nhưng nghiên cứu mới chứng minh, ăn các…
Theo Yên Minh (Dịch từ USA Today) (thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)