Rất may được mẹ phát hiện kịp thời nên con gái Pha Lê vẫn nằm trong vùng an toàn.
Trẻ nhỏ có thể gặp nguy hiểm bất kì lúc nào, ngay cả khi ở trong chính căn nhà của mình. Đó là lý do vì sao Pha Lê luôn lo lắng cho con gái Ốc bởi cô nhóc đang ở độ tuổi hiếu động, nghịch ngợm, thích khám phá.
Mới đây nữ ca sĩ được phen hú hồn khi bắt quả tang con gái đang nghịch ngợm trong nhà tắm một mình, rất may chưa gặp nguy hiểm. Cô cho biết, dù nhiều lần cảnh báo nhưng chồng cô và người giúp việc luôn quên đóng cửa nhà vệ sinh, điều đó dẫn đến việc con gái Ốc thích đi vào trong đó để khám phá, kiếm chỗ chơi.
Và lần này cũng vậy, chỉ một phút lơ là, cô vội tìm con thì phát hiện Ốc đang ngồi chơi trên sàn nhà tắm và may mắn chưa có nguy hiểm nào xảy đến. Tuy vậy, bà mẹ vẫn hết sức tức giận và bày tỏ nỗi lo: “Chỉ 1 phút lơ là là có đứa bị bắt tại trận như này. Đã dặn đi dặn lại là đóng cửa toilet mà hết bố nó tới giúp việc không bao giờ nhớ. Cũng may nhà mình luôn để sàn khô, bắt buộc lau khô hết nên mới an tâm phần nào không thì trượt ngã cho vỡ mặt. Tức ghê… con quỷ phá hoại đi khắp nơi…”.
Quả thực nỗi lo sợ của Pha Lê hoàn toàn hợp lý bởi bé Ốc chưa tự bảo vệ được chính mình trước những nguy hiểm rình rập. Sàn nhà ướt trơn trượt, xô nước đầy, tấm kính trong phòng tắm, dầu gội hóa chất… tất cả những thứ này đều có thể gây nguy hiểm cho bé Ốc.
Trên thực tế tại Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới cũng đã có rất nhiều tai nạn đáng tiếc khác xảy đến với trẻ ở ngay chính gian nhà tắm của gia đình chỉ vì phút lơ là của người lớn.
Đau lòng nhất có lẽ phải kể đến cái chết của cậu bé 2 tuổi có tên Edward vào năm 2015 do ngã úp mặt vào bồn nước khi bị mẹ bỏ lại một mình với anh trai chỉ trong 2 phút để đi lấy quần áo ngủ thay cho con. Chị Warner-Simpson, 29 tuổi – mẹ bé cho hay sau khi được đưa vào bệnh viện Milton Keynes để cấp cứu, não đứa bé bị tổn thương nặng do thiếu oxy.
“Tổn thương não mà Edward mắc phải khiến con ít còn cơ hội sống sót. Nghe lời khuyên của các bác sĩ, chúng tôi đã quyết định dừng máy thở hỗ trợ cuộc sống của con. Ngày 17/4, khi máy thở dừng hoạt động, cậu bé dũng cảm tuyệt vời của chúng tôi vẫn cố gắng để chiến đấu và tiếp tục tự thở được một thời gian. Chúng tôi đã dành những khoảnh khắc quý giá đó, ôm con trong vòng tay đến hơi thở cuối cùng”, anh Andrew, cha của bé Edward nói.
Ảnh minh họa
Hay trường hợp tương tự xảy đến với một cậu bé sống ở Tân Thành, Ôn Châu, Chiết Giang, Trung Quốc. Theo chia sẻ, trong lúc ông bà ở trong phòng thì cậu bé tự chơi đùa một mình. Sau một lúc không nghe thấy tiếng cháu, ông bà mới vội đi tìm.
Khi chạy vào phòng tắm, họ nhìn thấy cháu đang bất tỉnh nằm trong xô nước đầy, toàn thân ướt lạnh và tím tái. Ông cậu bé nhanh chóng gọi xe cấp cứu tới. Hu Xiangbo, bác sĩ cấp cứu cho hay. “Khi xe cứu thương đến hiện trường, đứa trẻ không còn nhịp tim để thở nữa.
Đứa trẻ đã vô tình bị ngã vào xô nước trong phòng tắm nhưng không trèo ra ngoài nên đã dẫn tới kết cục đau lòng. Nhiều gia đình thường cho rằng trẻ ở nhà sẽ an toàn nên dễ lơ là cảnh giác. Thực tế, nhiều tai nạn cũng có thể xảy ra trong nhà. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, ngay cả một cái xô nước nhỏ hoặc một bể nước nhỏ, miễn là có thể ngập miệng và mũi trẻ thì đều có thể khiến trẻ bị đuối nước dẫn tới tử vong.
Những nguyên tắc sống còn đảm bảo an toàn cho bé trong nhà tắm
Phòng tắm là một trong những nơi trẻ thường thích lui tới nhưng lại ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm khó lường. Vì vậy, để bảo vệ an toàn cho trẻ cha mẹ cần phải lưu ý những nguyên tắc dưới đây:
1, Không để bé một mình trong nhà tắm
Với trẻ dưới 6 tuổi, bạn tuyệt đối không được để bé trong bồn tắm một mình dù chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn. Chỉ một vài phút xao lãng sơ sảy, bạn có thể khiến bé không may bị trượt chân ngã hoặc ngộp thở trong nước. Khi tắm cho con, bạn cần gác lại những việc như nghe điện thoại, mở cửa, nấu ăn, xem TV… Bạn chỉ được bắt tay vào làm việc khác khi đã tắm xong cho bé, lau khô người, đi ra khỏi phòng tắm và đóng cửa lại. Nếu nhà chỉ có bạn và bé, hãy chuẩn bị tất cả mọi thứ đầy đủ trước khi tắm để không phải chạy ra ngoài và để bé một mình. Bạn có thể cho điện thoại di động vào túi, tắt bếp và các thiết bị điện đang hoạt động để đảm bảo an toàn. Tốt nhất, bạn nên chuẩn bị cho bé chậu tắm hoặc bồn tắm riêng phù hợp, không nên cho bé sử dụng bồn tắm của người lớn.
2, Các thiết bị và đồ chơi phòng tắm phải đảm bảo an toàn
Hầu hết các bé đều thích chơi trong bồn tắm, nên đồ chơi của trẻ phải luôn sạch sẽ và không bị nhiễm khuẩn. Không nên mua đồ chơi xốp, bằng gỗ hoặc có nhiều lỗ nhỏ, có thể thấm nước vì vi khuẩn rất dễ xâm nhập và sinh sôi khi bé chơi trong bồn. Sau khi bé tắm xong, đồ chơi cần được rửa sạch sẽ, phơi khô (phơi ngoài ánh nắng mặt trời là tốt nhất). Đồ chơi góc cạnh và có lỗ thường chứa nước bên trong, bạn cần đổ hết nước đi trước khi đem đi phơi.
Nếu có máy rửa bát, bạn nên đem rửa đồ chơi khoảng 1 lần/tuần. Cách 2 tuần, bạn hãy lấy toàn bộ đồ chơi bé hay chơi trong nhà tắm ra ngâm với xà phòng khoảng 2 – 5 phút, cọ sạch rồi rửa lại với nước và phơi khô. Với các loại súng phun nước, bạn cần xóc nước xà phòng vào tận bên trong, rồi rửa sạch nhiều lần.
Ảnh minh họa
3, Đề phòng bé bị bỏng
Trước hết, cần giữ nhiệt độ nước ở khoảng 37 – 38ºC. Bạn có thể cho cổ tay vào nước để thử, nếu không có cảm giác rát thì đây là nhiệt độ thích hợp cho bé. Không cho bé vào bồn khi nước vẫn đang chảy, vì nhiệt độ nước có thể bất ngờ thay đổi. Bạn luôn xả nước lạnh trước, rồi mới chế thêm nước nóng để giảm tối đa nguy cơ bỏng da cho bé. Tuyệt đối không cho bé nghịch vòi nước.
4, Chống trượt ngã
Để phòng tắm đỡ trơn trượt, bạn nên lót một tấm thảm nhựa dưới sàn nhà khi bé vào tắm. Nếu không có thảm, hãy tập cho bé thói quen đi dép vào nhà tắm (loại có đế răng cưa hoặc ma sát cao). Bạn cũng nên bọc một miếng cao su vào vòi nước để tránh trường hợp bé bị ngã và va đầu vào.
5, Giữ phòng tắm ngăn nắp
Mỗi khi tắm xong, nên khóa phòng cẩn thận để bé không thể tự vào chơi những lúc bạn không để ý. Các đồ vật của người lớn như dao cạo, gương, bàn chải đánh răng, kéo, bấm móng tay…những hóa chất tẩy rửa dùng để vệ sinh nhà tắm cần được bảo vệ an toàn và đặt ngoài tầm với của bé.
Những loại hóa mỹ phẩm như nước xả vải, chất tẩy rửa, mỹ phẩm hay sản phẩm chăm sóc da, dầu gội đầu, thuốc men, các thiết bị điện… cần để lên cao, tránh xa tầm với của bé. Tốt nhất, bạn nên cất chúng trong một chiếc tủ có khóa. Ngoài ra, tay vịn cửa nhà tắm cũng nên ở vị trí cao hơn tầm với của bé để tránh trường hợp bé tự động mở cửa đi vào. Nên bố trí để chốt cửa nhà tắm ở phía bên ngoài, tránh trường hợp cửa bị sập chốt bên trong và bé bị nhốt trong đó.
Mặt khác, bạn không nên cọ rửa nhà vệ sinh khi có mặt bé ở đó để tránh chất tẩy rửa có thể văng vào mắt bé, đồng thời tránh việc bé đòi làm theo.
Với các bé lớn hơn, bạn có thể dạy cho bé chủ động phòng chống tai nạn thương tích trong nhà tắm bằng việc giải thích cho bé công dụng của những thứ thông thường, chẳng hạn như xà phòng được dùng để rửa tay, các chất tẩy rửa được dùng để giặt quần áo, vệ sinh bồn cầu…
Quá trình trò chuyện dần dần sẽ giúp bé tạo thành thói quen và nhận biết được vật dụng nào dùng để làm gì và biết cách sử dụng đúng để không bị tai nạn thương tích.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/pha-le-tuc-gian-vi-giup-viec-lo-la-khien-con-gai-suyt-gap-nguy-…
Pha Lê từng tâm sự muốn dành điều tốt nhất cho con trưởng thành, chuẩn bị đủ tiền nuôi con tới năm 25 tuổi.
Chi Chi (Phụ Nữ Việt Nam)