Mục lục
Chanel và 3 lần tăng giá chỉ trong năm 2021
Chanel tăng giá lần 1, Chanel tăng giá lần 2, Chanel tăng giá lần 3.
Nghe cứ như thể chúng ta đang an tọa tại một phòng đấu giá, còn người host thì dõng dạc hô vang sản phẩm cho quan khách chốt đơn vậy. Thông thường mỗi năm, các thương hiệu sẽ có từ 1 – 2 đợt điều chỉnh giá, nhưng Chanel thì khác. Chỉ trong năm 2021, thương hiệu xa xỉ nước Pháp đã có tới 3 đợt tăng giá. Lần 1 là vào tháng 1 với mức tăng từ 4 – 7%. Lần 2 là vào tháng 7 với mức tăng từ 12 – 15% cho 2 dòng túi Chanel Classic Bag và Chanel Boy Bag. Lần 3 là vào tháng 11 mới đây, ngay trước thềm mùa lễ hội, Chanel thản nhiên tăng 9% – 15% cho một loạt túi xách như Classic Flap, Boy bag, Chanel 19 và Classic WOC.
Chanel giải thích nguyên nhân tăng giá
Nguyên nhân Chanel đưa ra cho các lần tăng giá đều xoay quanh thay đổi trong chi phí sản xuất, giá nguyên liệu và biến động tỷ giá hối đoái. Khi có nhiều người tỏ ý thương hiệu đang tìm cách gỡ gạc lại thời gian bị lỗ do ảnh hưởng của đại dịch COVID 19, Chanel đã phủ nhận và cho biết việc tăng giá hoàn toàn không bị can thiệp bởi dịch bệnh.
Giá của một chiếc túi Chanel đã tăng thế nào trong gần 2 thập kỷ qua?
Lấy ví dụ về quỹ đạo tăng giá của chiếc túi Chanel Classic Medium Flap Bag, có thể thấy như sau: năm 2005, túi có giá 1.650 USD (~ 37 triệu đồng); năm 2010, túi có giá 2.850 USD (~ 65 triệu đồng); năm 2013, túi có giá 4.400 USD (~ 100 triệu đồng); năm 2016, túi có giá 4.800 USD (~ 108 triệu đồng); năm 2020, túi có giá 6.500 USD (~ 147 triệu đồng).
Chỉ riêng năm 2021, trước tháng 7, túi có giá 6.800 USD (~154 triệu đồng); sau tháng 7, túi có giá 7.800 USD (~ 176 triệu đồng); bắt đầu từ tháng 11/2021, túi đã tăng đến 8.800 USD (~ 200 triệu đồng). Vậy là chỉ trong 1 năm, túi đã tăng 2.000 USD, hơn 45 triệu đồng! Xét rộng hơn, trong gần 2 thập kỷ, túi đã tăng 7.150 USD, hơn 171 triệu đồng, một con số ngoài sức tưởng tượng! Thậm chí, tờ Dazed còn nhận xét mức tăng của chiếc túi đã lên đến 40% so với trước đại dịch, có nghĩa là chỉ riêng bộ sưu tập túi của nữ diễn viên Kristen Stewart đã có thể sánh ngang với GDP của một quốc gia nhỏ.
Cứ mỗi sau khi thông tin Chanel tăng giá được thông báo, y như rằng lại có hàng người rồng rắn lên mây xếp hàng ở trước các store. Lý do thì rất đơn giản: mua kịp túi trước khi giá mới được áp dụng. Với mức giá mới tăng cao khủng khiếp cùng tần suất điều chỉnh dồn dập, người ta tự hỏi nếu Chanel tiếp tục duy trì tình huống trên, liệu có còn hàng dài người xếp hàng chầu chực từ sớm tinh mơ đến tối muộn trước cửa hàng hay không?
Ảnh hưởng hậu tăng giá, khách mua hàng mới chùn bước…
Đối với giới siêu giàu hay các ngôi sao, người nổi tiếng hoặc các “con chiên” của hãng, có thể sự tình này cũng không ảnh hưởng là bao, cùng lắm chỉ là một cái thở dài ngao ngán rồi thôi. Nhưng với những đối tượng khác, đặc biệt là những người đang cố gắng dành dụm để mua một chiếc túi Chanel, ngỡ sắp chạm được vật trong mơ nhưng cuối cùng lại hụt chân vì hãng tăng giá. Nhiều người sẽ ngậm ngùi để dành tiếp, nhưng áp lực không hề nhỏ vì chẳng biết lúc nào Chanel lại thình lình “quăng” ra thông báo điều chỉnh giá mới. Số còn lại có khả năng sẽ bỏ cuộc, quay bờ tìm những bến đỗ khác.
Chưa kể với suy nghĩ 200 triệu có thể mua được nhiều túi từ các thương hiệu xa xỉ có tên tuổi không thua kém Chanel cũng khiến nhiều người chùn chân. Ngoài ra, còn có tệp khách hàng “chân ướt chân ráo” chơi đồ hiệu nếu không chuẩn bị tâm lý cũng dễ bị choáng trước mức giá cao ngất ngưỡng của một chiếc túi Chanel. Dù biết đầu tư vào những chiếc túi của Chanel (chỉ đề cập đến những mẫu túi kinh điển) không bao giờ lỗ, lại còn có thể thu lời khổng lồ, nhưng không phải ai cũng có đủ quyết tâm hay điều kiện để xúc tiến món đầu tư này.
… khách mua hàng used/vintage cũng nản lòng
Không chỉ có người mua hàng mới mà người mua hàng used/vintage cũng chịu ảnh hưởng từ những lần tăng giá. Trước đây, cụ thể là 3 năm trước, bạn chỉ cần bỏ ra khoảng 35 triệu đồng là có thể sở hữu được một chiếc Chanel Jumbo Classic vintage size 30, khóa mạ vàng 24k nhưng hiện tại, bạn phải bỏ ra hơn 100 triệu đồng mới có thể rước nàng về dinh. Hay lấy ví dụ là chiếc Chanel Paris, năm ngoái túi có giá khoảng 30 triệu nhưng bây giờ đã lên tới 60 – 70 triệu, hoặc thậm chí là gần cả trăm triệu nếu túi full code, tình trạng tốt. Người săn hàng vintage cũng “méo mặt” khi Chanel Classic Flap Bag size M, da caviar, khóa mạ vàng, full code và chip giờ cũng đã chạm ngưỡng 220 triệu đồng. Dòng Diana small tình trạng “normal used” đã gần 60 triệu đồng, còn mới thì phải lên đến 120 triệu đồng.
Lượn lờ trong các group chuyên bán hàng hiệu vintage hay các chủ shop vintage trên Instagram, Facebook, bạn chắc chắn sẽ đọc được biện giải cho việc giá túi tăng là bởi “Chanel mới tăng giá”. Tình huống này cũng phản ánh 2 điều: về phía khách hàng, họ bị đặt trong thế tiến thoái lưỡng nan vì cả túi mới lẫn túi used/vintage đều tăng dữ dội. Nhiều người gấp gáp sẵn sàng chi trả số tiền lớn để mua luôn bởi e ngại nếu không mua bây giờ thì số tiền phải bỏ ra trong tương lai còn nhiều hơn nữa. Số khác thì chấp nhận từ bỏ giấc mơ Chanel bởi cảm thấy thương hiệu nước Pháp ngày càng xa tầm với sau những lần mệt mỏi và chán chường vì tìm đỏ mắt cũng không thể có được chiếc túi giá “đẹp” như trước. Về phần các chủ shop, lợi thế sẽ nghiêng về những bên đã ôm được lượng hàng giá tốt từ trước, nay chỉ việc bung ra, hòa chung không khí tăng giá, thế là đã có thể nhàn nhã “hốt bạc”.
Chanel đang dâng “thượng đế” cho thương hiệu đối thủ?
Túi Chanel là bảo chứng cho sự sang trọng, đẳng cấp nhưng suy cho cùng, núi cao còn có núi cao hơn, chúng không phải là con đường duy nhất dẫn người ta bước chân vào thế giới cao cấp, lại càng không sau những đợt tăng giá, khi mà cùng khoảng tiền 190 triệu đồng để mua chiếc Chanel Classic Flap mới, người ta bắt đầu cân đo đong đếm với một chiếc Hèrmes vintage. Từ khoảng 190 đến đầu 300 triệu đồng là bạn có thể sở hữu một chiếc Hèrmes Kelly vintage với đủ size, màu sắc, loại da… quan trọng là Hèrmes vintage giá cũng tăng theo thời gian, là một món đầu tư chỉ có ngang hoặc hơn chứ không kém Chanel. Cả Chanel và Hèrmes đều là những thương hiệu xa xỉ có bề dày lịch sử, nhưng chỉ cần một mô tả “không phải cứ có tiền là mua được Hèrmes” đã cho thấy định vị thương hiệu, thể hiện đẳng cấp ở tầm cao mà chỉ Hèrmes mới có. Vậy nên, nếu không phải là tệp khách hàng trung thành, coi như Chanel đã tự dâng tận miệng “thượng đế” của mình cho Hèrmes.
Kết
Dù sao đi nữa, tất cả cũng chỉ là dự đoán. Với một thương hiệu bề thế như Chanel, hãng ắt có tính toán riêng không để mình thiệt thòi. Song song đó, điều kiện tài chính của mọi người cũng ngày một tốt lên, nếu phân chia chi tiêu, tiết kiệm hợp lý thì chuyện mua một chiếc túi Chanel cũng không phải điều gì bất khả thi. Việc tăng giá liên tục ngoài đảm bảo tính độc quyền sản phẩm còn là cách để Chanel khoanh vùng đối tượng khách hàng. Nhưng nếu khăng khăng giữ tần suất tăng liên tục chỉ trong vỏn vẹn một năm thì trường hợp mất khách hàng mới, tiềm năng âu cũng là chuyện khó tránh khỏi. Tương lai còn dài, chúng ta cùng đợi xem!