Những thói quen ăn uống, lối sống hàng ngày không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn cả trí tuệ của trẻ.
Tại sao một số đứa trẻ có vẻ đặc biệt thông minh khi còn nhỏ, nhưng lại dần trở nên kém thông minh khi trưởng thành?
Rõ ràng một số chuyên gia đã nói rằng bộ não của con người càng sử dụng càng thông minh, đứa trẻ ngay từ thời thơ ấu đã bắt đầu không ngừng học hỏi, vậy làm thế nào lại có thể có một lực cản đối với trí thông minh?
Nhà giáo dục nổi tiếng người Mỹ Julie Lythcott-Haims, cựu Trưởng khoa Sinh viên năm nhất tại Đại học Stanford đã chia sẻ về một nghiên cứu 75 năm của Đại học Harvard trong một bài phát biểu trên kênh TED.
Nghiên cứu của Đại học Harvard cho thấy trí thông minh trong tương lai của trẻ em có liên quan đến thói quen. Nếu những thói quen xấu của trẻ thông minh không được sửa chữa kịp thời thì tài năng bẩm sinh thường không được phát huy. Kết quả là càng lớn chúng càng bình thường, thậm chí có IQ thấp.
Vậy những thói quen xấu cụ thể nào sẽ làm hỏng trí thông minh của trẻ? Theo các chuyên gia, những thói quen xấu mà trẻ thường mắc phải dưới đây sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ:
1. Bỏ bữa sáng
Dù là người lớn hay trẻ em, chúng ta đều phải hình thành thói quen ăn sáng tốt. Hiện tại, nhiều bậc cha mẹ vì bận rộn với công việc nên thường không chuẩn bị bữa sáng cho con cẩn thận mà để trẻ tự lo, nhiều trẻ vì ham chơi nên còn bỏ bữa sáng. Trẻ em đang trong giai đoạn phát triển, nếu chúng không được hấp thụ đủ chất dinh dưỡng, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển.
Nếu bỏ bữa sáng, trẻ dễ bị chậm tăng trưởng về chiều cao, cân nặng, lâu dài dẫn đến suy dinh dưỡng, giảm sức đề kháng nên hay mắc bệnh nhiễm trùng.
Đặc biệt, nếu trẻ không ăn sáng trong thời gian dài, hoạt động của não bộ sẽ giảm dần, điều này khiến trẻ ngày càng suy giảm trí thông minh. Hơn nữa, trẻ không ăn sáng, lượng đường trong máu lên não sẽ quá thấp dẫn đến không đủ dinh dưỡng.
Bởi vì cơ thể sẽ thiếu năng lượng lại bị đói nên trẻ sẽ không tập trung được khi học, kết quả là không theo kịp các bạn. Ngoài ra, cơ thể trẻ em bài tiết rất nhanh khi còn nhỏ. Sau một đêm, cơ thể của trẻ sẽ thiếu chất dinh dưỡng vào buổi sáng. Vì vậy, các bậc cha mẹ nên chuẩn bị cho trẻ một bữa sáng khoa học để giúp trẻ lớn lên khỏe mạnh.
2. Ăn nhiều chất béo, đường và thực phẩm chế biến sẵn
Một nghiên cứu của Anh cho thấy chế độ ăn nhiều chất béo, đường và thực phẩm chế biến sẵn đang làm giảm chỉ số thông minh của trẻ. Báo cáo nói rằng thói quen ăn uống của trẻ ba tuổi định hình hiệu suất của não khi chúng lớn hơn.
Các nhà nghiên cứu cho biết chế độ ăn của trẻ mới biết đi có thể thay đổi mức IQ sau này, ngay cả khi thói quen ăn uống được cải thiện theo độ tuổi. Các tác giả viết: “Điều này cho thấy rằng bất kỳ tác động nhận thức/hành vi nào liên quan đến thói quen ăn uống ở thời thơ ấu cũng có thể ảnh hưởng tới tương lai của trẻ”.
Nhưng điều đó không có nghĩa là cho trẻ ăn nhiều bánh pizza, xúc xích và khoai tây chiên sẽ khiến chỉ số IQ thấp hơn. Các tác giả đã tìm thấy một mối liên hệ, không phải mối quan hệ nhân – quả.
3. Thức khuya
Thức khuya dường như đã trở thành thói quen của rất nhiều người, bao gồm cả người lớn lẫn trẻ nhỏ. Mặc dù ban đầu các bậc cha mẹ nghĩ rằng việc con cái thức khuya trong một thời gian ngắn chẳng vấn đề gì nhưng lâu dần nó sẽ trở thành thói quen khó bỏ.
Trẻ thức khuya sẽ ảnh hưởng tới quá trình tiết ra hormone giới tính và hormone tăng trưởng, khiến trẻ dễ bị thấp còi. Hơn nữa, trẻ thường xuyên thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng đến số lượng cytokine (ngăn ngừa nhiễm trùng và bệnh tật), làm giảm sức đề kháng của trẻ và dễ mắc các bệnh truyền nhiễm hơn, đặc biệt là cảm lạnh.
Trẻ thức đêm nhiều, cơ thể sẽ rối loạn bài tiết khiến trẻ thiếu năng lượng vào ngày hôm sau, đến lớp không thể tập trung nghe giảng. Nếu trẻ không ngủ đủ giấc, khả năng tập trung của trẻ sẽ giảm, ảnh hưởng đến kết quả học tập và sự phát triển trí não của trẻ.
4. Thiếu giao tiếp
Một môi trường gia đình tốt rất quan trọng đối với sự trưởng thành của trẻ em, bởi vì cha mẹ là người thầy đầu tiên của trẻ, bạn giáo dục như thế nào, con cái sẽ trở thành người như thế ấy. Nếu cha mẹ tích cực giao tiếp, khi trẻ hỏi những câu hỏi nào cũng kiên nhẫn để trả lời, hoặc cùng trẻ đi tìm đáp án sẽ giúp trẻ càng tăng thêm tính học hỏi.
Hơn nữa, khi con cái và bố mẹ thường xuyên nói chuyện, não bộ của trẻ, nhất là vỏ não trước trán phụ trách ngôn ngữ, trí nhớ và các bộ phận khác sẽ được vận động, khiến trẻ thông minh hơn. Ngược lại, trẻ thiếu giao tiếp sẽ dễ làm suy giảm trí tuệ.
5. Làm nhiều việc một lúc, thiếu tập trung
Ngày nay, nhiều trẻ em có thói quen vừa học vừa ăn hoa quả hay xem TV khi làm bài tập. Thực tế, thói quen làm nhiều việc cùng lúc như vậy không tốt, bộ não con người rất kém trong việc xử lý nhiều công việc cùng một lúc.
Earl Miller, một nhà khoa học thần kinh tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) cho biết làm nhiều việc cùng một thời điểm, bộ não cũng nhanh chóng chuyển đổi giữa các nhiệm vụ khác nhau, và mỗi khi chuyển đổi, nó sẽ làm hỏng khả năng nhận thức của chính mình.
Và các nhà khoa học đã phát hiện thông qua các thí nghiệm rằng mọi người thường quen xử lý nhiều nhiệm vụ trong một thời gian lại là những người có hiệu suất làm việc kém hơn.
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/nghien-cuu-75-nam-cua-dai-hoc-harvard-nhung-thoi-q…
Một bà mẹ 34 tuổi nhưng đã có 7 người con chia sẻ lý do quyết định sinh nhiều vì muốn giữ gen tốt của chồng khiến cư dân mạng xôn xao.
Theo Minh Minh (Dịch từ Sohu) (thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)