Mục lục
Dù thời bình hay thời chiến, dù khi xã hội ấm yên hay lúc dịch bệnh hoành hành, nghề y vẫn luôn là một trong những nghề cao quý nhất và “những chiến sĩ áo trắng” luôn góp tài năng, y đức vào công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe mỗi người dân.
Hơn lúc nào hết, trong những ngày tháng dịch bệnh hoành hành như mấy năm lại đây, chúng ta càng trân quý những đóng góp lớn lao của những y bác sĩ cũng như thấm thía hơn về những vất vả, hy sinh họ phải đối mặt. Nhân kỷ niệm 67 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2022), Eva.vn xin giới thiệu cùng bạn đọc một số tấm gương tiêu biểu trong quá trình phát triển của ngành Y Việt Nam những năm qua:
Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng: Cha đẻ “Phương pháp Tôn Thất Tùng” trong phẫu thuật gan”
Giáo sư Tôn Thất Tùng là người giản dị và hồn hậu.
Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới trong lĩnh vực gan và giải phẫu gan. Suốt cuộc đời, Giáo sư Tôn Thất Tùng để lại 123 công trình khoa học có giá trị. Ông là tấm gương người thầy mẫu mực, trung thực, say mê khoa học, hết lòng yêu thương học trò, đã đào tạo một đội ngũ các thầy thuốc có y đức, giỏi chuyên môn. Ông được tặng Huy chương Phẫu thuật quốc tế Lannelongue, được bầu làm viện sĩ nhiều viện hàn lâm, rồi được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I. Tên tuổi ông được đặt cho nhiều đường phố ở Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Long An…
Ông qua đời ngày 7/5/1982, thọ 70 tuổi và trong bài tưởng niệm GS Tôn Thất Tùng in trên tờ báo của giới Y học Pháp Témoignage (Bằng chứng), BS J.-M. Krivine viết: Không ai có thể thay thế được GS Tôn Thất Tùng. Không một nhà phẫu thuật nào có tầm cỡ như ông trong thế hệ hiện nay…”.
Giáo sư, bác sĩ Đặng Văn Ngữ: Nhân cách và tài năng lớn
GS Đặng Văn Ngữ (bìa phải) giảng bài cho sinh viên ĐH Y Dược, 1952. Ảnh: Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam
Giáo sư, bác sĩ Đặng Văn Ngữ (1910-1967) là bác sĩ y khoa nổi tiếng của nền y học hiện đại Việt Nam. Ông đã tổ chức sản xuất được “Nước lọc Penicillin” nổi tiếng trong kháng chiến chống Pháp. Hòa bình lập lại, ông xây dựng ngành ký sinh trùng Việt Nam. Năm 1957, ông sáng lập Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và côn trùng.
Ông hy sinh khi đang nghiên cứu sốt rét ở Trường Sơn. GS Đặng Văn Ngữ được tặng thưởng 2 Huân chương Kháng chiến, truy tặng Huân chương Lao động hạng nhất và danh hiệu Anh hùng. Năm 1996 ông được nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật.
Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Tài Thu: Bậc thầy của ngành Châm cứu Việt Nam
GS Nguyễn Tài Thu đóng góp nhiều thành tựu trong ngành châm cứu.
Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Tài Thu nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới trong lĩnh vực Đông y, đặc biệt là châm cứu chữa bệnh. Ông là người khai sinh kỹ thuật tân châm (châm cứu mới), châm cứu bằng kim to, kim dài gấp cả chục lần so với châm cứu truyền thống, tác động điều trị tốt hơn nhiều lần. Ông đã viết hàng chục cuốn sách về châm cứu và lý luận đông y như Tân châm, Nghiên cứu châm tê trong phẫu thuật, Thủy châm, Nhĩ châm, Mai hoa châm, Điện châm… làm “cẩm nang” cho hàng ngàn y bác sĩ sau này.
Ông đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, được tặng thưởng Huân chương Độc lập và nhiều phần thưởng cao quý khác.
GS Nguyễn Thu Nhạn: Người “bảo mẫu” của trẻ em Việt
Ở tuổi gần 90 (năm 2020), GS Nguyễn Thu Nhạn vẫn rất minh mẫn và quan tâm tới công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em. Ảnh: Phụ nữ Việt Nam.
Thầy thuốc Nhân dân, GS.TS Nguyễn Thu Nhạn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, đã dành 60 năm cống hiến, tìm các giải pháp để điều trị các bệnh hiểm nghèo của trẻ em Việt Nam. Bà cũng là người truyền lửa cho hàng ngàn GS.TS y khoa hiện tại. Những công trình nghiên cứu, ứng dụng của bà đã góp phần nâng cao thể chất, chữa những căn bệnh “khó” của trẻ em Việt Nam. Nổi bật trong đó là các công trình nghiên cứu góp phần xóa bỏ bệnh thấp tim ở trẻ, suy dinh dưỡng thể nặng ở trẻ và bệnh tiêu chảy.
GS.TS Nguyễn Thu Nhạn đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều Danh hiệu cao quý, như: Chiến sĩ thi đua ngành y tế nhiều năm liền; Giải thưởng của Hội Nhi khoa Châu Á và Tây Thái Bình Dương (2 lần); danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân (1994); Thầy thuốc ưu tú (1998); Huân chương Lao động hạng Ba; Huy Chương vì sự nghiệp giải phóng Phụ nữ; Giải thưởng Kovalevskaia (năm 2001).
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết: Gương mặt tiêu biểu trong lĩnh vực ghép tạng ở Việt Nam
PGS Nguyễn Tiến Quyết có nhiều đóng góp cho ngành ghép tạng Việt Nam.
PGS. TS, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Bộ Y tế) là người đi đầu thực hiện thành công ca ghép gan từ người sống, người chết não – một trong những thành tựu y học xuất sắc của ngành Y tế Việt Nam.
Gần 40 năm gắn bó với nghề, ông đã nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, nghiên cứu, tìm tòi, say mê với công việc đầy nhọc nhằn và vinh quang. Vừa hoàn thành nhiệm vụ quản lý một bệnh viện đầu ngành, ông cũng đảm trách xuất sắc công việc của một phẫu thuật viên, hết lòng tận tình cứu chữa bệnh nhân, mang lại sự sống cho hàng trăm người bệnh.
GS.TS Nguyễn Anh Trí: Một trong những “Cánh chim đầu đàn” ngành huyết học truyền máu
GS Nguyễn Anh Trí với một bệnh nhân khi ông công tác tại Viện Huyết học – Truyền máu TW. Ảnh: Baotintuc.vn
Thầy thuốc nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương (Bộ Y tế) mang lại nhiều thành tựu trong chẩn đoán, điều trị bệnh máu, trong đó có những chuyên khoa ngang tầm quốc tế như: đông máu, di truyền, sinh học phân tử, ghép tế bào gốc điều trị các bệnh lý huyết học. Ông đã được vinh danh cá nhân “Vượt khó đi lên” trong chương trình Vinh quang Việt Nam lần thứ 10 – năm 2013.
Năm 2017, khi Bác sĩ Nguyễn Anh Trí về hưu, gần 1.000 người tại Viện huyết học – Truyền máu Trung ương đã xếp hàng vẫy tay chào ông trong nước mắt.
Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng: Người “Ươm mầm hạnh phúc”
GS Nguyễn Ngọc Phượng là gương mặt tiêu biểu trong lĩnh vực Sản khoa.
Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) đã góp phần lớn lao cho ngành y khoa nước nhà, giúp hàng ngàn đứa trẻ chào đời bằng thụ tinh ống nghiệm. Bà được coi gọi là “người ươm mầm hạnh phúc, là “bà tiên” của hàng ngàn gia đình Việt.
PGS. TS. Nguyễn Lân Hiếu: Từ Chuyên gia tim mạch hàng đầu tới “Anh hùng chống dịch”
PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Đại biểu Quốc hội Việt Nam. Ông là một chuyên gia tim mạch, người đi đầu trong lĩnh vực can thiệp tim bẩm sinh cho trẻ em tại Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu tại Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 Thới Hòa, Bình Dương tháng 8/2021. Ả
nh: Dcs.vnÔng cũng là một trong những người có những đóng góp đáng kể trong “cuộc chiến” chống dịch COVID-19 tại Việt Nam thời gian qua. Tại thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, PGS.TS.BS. Nguyễn Lân Hiếu được Bộ Y tế giao nhiệm vụ là Giám đốc Y khoa của Trung tâm Hồi sức tích cực ICU Bình Dương, góp phần giúp dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã được khống chế, tỷ lệ ca tử vong thấp.
Ông cũng là người đưa ra 5 đề xuất chống dịch, trong đó có việc tiêm phủ mũi 1 toàn dân, không mở cửa theo cảm tính nhưng không dùng chiến thuật “Zero COVID”…
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/nhung-guong-mat-thay-thuoc-tai-duc-cua-nganh-y-te-…
Tờ mờ sáng, tiếng điện thoại réo liên hồi, đầu dây bên kia là giọng một người đàn ông gấp gáp: “Bác Khanh ơi, nhà tui 7 người dương tính hết rồi, làm…
Theo M.T (thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)