Thời gian gần đây, gừng được nhắc đến rất nhiều khi là một “vị thuốc” không thể thiếu trong nồi xông ở các gia đình. Dù việc xông thảo dược phòng bệnh hiện có nhiều ý kiến trái chiều, nhưng các chuyên gia đều cho rằng gừng là một vị thuốc quý, có nhiều tác dụng với cơ thể, nhất là trong mùa lạnh.
Đại tá, lương y Bùi Hồng Minh (Hội Đông y quận Ba Đình) cho biết, gừng giúp ích rất nhiều trong việc cải thiện tiêu hóa, nâng cao khả năng miễn dịch, giảm đau. Gừng còn là phương thuốc hữu hiệu chống lại cảm cúm, đặc biệt là tình trạng cảm lạnh trong mùa đông. Đây cũng là loại củ rất giàu chất chống oxy hóa, tốt cho cơ thể.
Gừng là vị thuốc được dùng phổ biến trong đông y. Ảnh minh họa.
Đồng quan điểm trên, lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Văn Giang, Hưng Yên) cũng cho rằng, gừng là vị thuốc đông y rất phổ biến, có đến 70% các đơn thuốc đông y đều xuất hiện vị gừng.
Ông Trung cho biết, trong điều kiện thời tiết lạnh như hiện nay, nhiều người dễ bị cảm lạnh, lạnh bụng, lạnh tay chân, mạch nhỏ, nhiều đờm, thớp khớp… thì có thể dùng khoảng 4-20 gam gừng khô, tán nhuyễn và uống. Ngoài ra, cũng có thể dùng gừng tươi giã lấy nước cốt, trộn với mật ong đun nóng, uống từng ngụm nhỏ cũng hỗ trợ điều trị ho. Người bị đau lưng, đau vai gáy do lạnh, dùng rượu gừng làm thuốc xoa bóp, massage cơ để cơ bắp thả lỏng, hoặc chườm nóng vai gáy với gừng rang muối hột.
Trường hợp đau xương khớp mùa lạnh, nên ngâm chân, tay hoặc tắm với nước thảo dược có thành phần gừng tươi hoặc lấy gừng rang với muối hột chườm lên vùng đau để giảm đau nhức.
Trong sách cổ ghi rằng dùng gừng vào buổi tối, nhất là dùng quá nhiều, sẽ không tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa.
Dù gừng có rất nhiều lợi ích trong phòng và hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh, các chuyên gia cảnh báo, không dùng quá nhiều gừng, nhất là vào buổi tối. Lương y Bùi Hồng Minh cho biết, qua nghiên cứu và tìm hiểu trong một số sách cổ cho thấy “ăn gừng buổi tối độc như thạch tín”, tuy nhiên hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh điều này.
Theo ông Minh, thông thường khi chế biến đồ ăn hàng ngày, kể cả là vào buổi tối, mọi người vẫn cho thêm gừng vào một số món như rau cải nấu canh, gà rang… và khi ăn hầu như chưa thấy ai gặp vấn đề gì. Tuy nhiên, cũng không nên chủ quan vì cách sử dụng này thường với lượng ít, còn nếu dùng với lượng nhiều thì cần cẩn trọng vì có thể gây hại cho sức khỏe.
Trong gừng có chất giúp tinh thần sảng khoái, do vậy nếu dùng nhiều buổi tối sẽ dễ mất ngủ. Ảnh minh họa.
Vị chuyên gia này cho rằng, trong gừng có chứa chất cineole giúp giải tỏa stress, trị bệnh nhức nửa đầu, giúp tinh thần sảng khoái. Tuy nhiên nếu uống hoặc ăn gừng nhiều trong hoặc sau bữa tối có thể khiến người dùng tỉnh táo, mất ngủ…
Ngoài ra, do gừng có tính nóng nên tránh dùng liều cao và quá nhiều vào buổi tối. Với những người âm hư, nóng bên trong (hàn nhiệt, thể nhiệt) và phụ nữ có thai không nên dùng gừng. Tốt nhất, khi sử dụng gừng làm thuốc, trị bệnh nên hỏi ý kiến thầy thuốc. Ngoài ra, khi sử dụng gừng không nên gọt vỏ vì vỏ gừng cũng có rất nhiều công dụng chữa bệnh.
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/loai-cu-cuc-tot-trong-mua-lanh-ai-cung-mua-ve-xong…
Lâu nay mọi người thường dùng chanh, sả, gừng hoặc kết hợp các loại thảo dược khác để xông mũi họng phòng COVID-19, tuy nhiên đây không phải là phương…
Theo Lê Phương. (thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)