Những câu chuyện cổ tích giải thích về nguồn gốc vẻ đẹp và tên gọi của các loài hoa.
Truyện cổ tích luôn hấp dẫn người đọc bởi sự sinh động trong cả ngôn từ lẫn hình ảnh, nội dung và cốt truyện. Không có giới hạn đối với thể loại này, trí tưởng tượng của con người được vận dụng hết sức khó thể, bởi vậy, mà đối với truyện cổ tích, thế giới của cây cối và động vật vẫn sinh động, mang đến nhiều ý nghĩa, bài học hay.
Những câu chuyện cổ tích hay kể về sự ra đời của các loài hoa, dạy bé biết yêu thương, học nhiều điều hay trong cuộc sống.
Sự tích hoa mai vàng
Ngày xửa… Ngày xưa… Có một cô bé rất giàu lòng yêu thương. Cô yêu bố mẹ mình, chị mình đã đành, cô còn yêu cả bà con quanh xóm, yêu cả ba ông Táo bằng đá núi đêm ngày chịu khói lửa để nấu cơm, hầm ngô, nướng thịt cho mọi người ăn.
Một lần, thương ba ông Táo, trời đã nóng lại chịu lửa suốt ngày đêm, cô bé mới lên năm ấy đã lấy một gáo nước to dội luôn lên đầu ba ông. Tro khói bốc lên mù mịt. ông Táo già nhất vụt hiện ra nói:
– Cháu thương ta nhưng chưa hiểu ta. Lửa càng nóng, ta càng vui. Cháu mà dội nước thì có ngày ta bị cảm mất.
Từ đấy, cô bé không dội nước lên đầu ba ông Táo nữa. Nhưng ông Táo già thì thỉnh thoảng lại hiện lên trò chuyện với hai chị em cô bé trong chốc lát. Một hôm thương ông, cô em hỏi:
– Ông thích lửa thôi à? Ông còn thích gì nữa không?
-Có chứ! Năm sắp hết. ông phải về trời! Cháu bắt cho ông con cá chép ông cưỡi về Trời thì ông thích nhất. Cô bé liền rủ chị đi bắt cho bằng được một con cá chép về. Cô bỏ ngay vào bếp lửa rồi nói:
– Ông Táo ơi! Chúng cháu biếu ông con chép này đây!Con cá chép vụt biến mất. Tối hăm ba Tết, quả nhiên hai chị em thấy ông hiện ra, sau đó cưỡi con cá chép như cưỡi ngựa, bay ra khỏi nhà và bay cao mãi lên trời… Bố cô bé là một người đi săn thú rất tài giỏi. Ông thường chỉ thích đi săn thú dữ. Ông bảo:
– Còn thú ác thì tôi còn đi săn cho kỳ hết!
Ông không muốn truyền nghề cho con mình, vì cả hai đều là gái. Nhưng cô em lại rất thích nghề của cha. Lên năm cô đã xin cha dạy cho mình đủ cả côn, quyền và đao kiếm. Cô tuy bé người nhưng nhanh nhẹn vô cùng, và về sức mạnh của đôi tay cô, người cha cũng phải kinh ngạc. Lên chín, cô đã hăm hở xin theo cha đi săn thú. Người mẹ và người chị lo lắng, nhưng cô bé đã thưa ngay:
– Con không giết được con mồi bằng một nhát như cha thì con đâm ba nhát, năm nhát, mẹ và chị cứ yên tâm.
Nói sao làm vậy, cô bé lần đầu theo cha đi săn đã giết ngay được một con lợn lòi rất hung dữ… Trong vùng bỗng xuất hiện một con quái đầu người mình báo. Bà con ai cũng lo lắng, khiếp sợ. Vì con quái vật chỉ thích ăn thịt người, nhất là thịt trẻ con. Người cha liền dẫn cô gái nhỏ đi tìm quái vật để giết. Người mẹ và chị can ngăn nhưng không được. Người cha bảo:
– Tôi chỉ cho nó đi theo để xem, còn diệt quái ác là việc của tôi, hai mẹ con đừng lo.
Hai cha con đi được mấy ngày thì có tin con quái đã bị người cha giết chết thật. Bữa hai cha con trở về, bà con trong vùng mang rượu, gà vịt đến làm cỗ ăn mừng. Cô gái nhỏ không quên đặt vào bếp lửa một con cá chép và khấn với ông Táo già:
– Chúng cháu xin gửi biếu ông con chép để thỉnh thoảng ông cưỡi đi chơi.
Câu chuyện kể về cô bé Mai được với tinh thần dũng cảm, tốt bụng, giúp dân làng diệt trừ yêu quái. Ảnh minh họa
Ông Táo già lại hiện lên cám ơn cô bé và hỏi:
– Cháu thấy con quái có sợ không?
– Cháu chỉ thích được cha cháu cho cháu được cùng đánh với nó, nhưng cha cháu không chịu.
Người cha sau đó bỗng bị ốm nặng. Người mẹ và hai cô gái hết lòng chăm sóc. Bệnh người cha có đỡ, nhưng sức khỏe thì không còn được như trước nữa. Vài năm sau, ở vùng trong xa, bỗng xuất hiện một con quái cũng đầu người nhưng mình trăn. Con quái này có sức khỏe ghê gớm.
Nó có thể quấn chết một con bò mộng chỉ trong chớp mắt. Nó lại cũng thích ăn thịt trẻ con và có thể ăn một lúc đến mấy đứa. Bà con vùng đó liền cử người ra mời cha con người đã giết con quái đầu người mình báo vào diệt quái giúp bà con. Người cha nhìn cô gái nhỏ của mình hỏi:
– Liệu con có nhận lời đi giúp bà con không?
Cô gái nhỏ liền đáp:
– Con xin cha mẹ và chị để cho con đi!
Người cha nói:
– Cha sẽ cùng đi với con, nhưng cha chỉ giúp con thôi. Lần này chính con phải lo diệt quái đấy. Người mẹ và chị càng lo lắng gấp bội.
– Ông ơi! Đường từ đây vào đó xa xôi cách trở. Quái thì dữ ác mà con bé thì mới mười bốn tuổi, tôi sợ lắm.
– Cha ơi! Cha và em nhận lời, rủi có chuyện gì thì mẹ và con làm sao sống nổi.
Cô gái nhỏ liền thưa:
– Mẹ và chị à, con tuy còn nhỏ nhưng con có đủ sức để diệt quái. Bà con đã ra nhờ lẽ nào mình lại từ chối. Mẹ và chị cứ yên lòng. Cha và con diệt xong quái sẽ trở về ngay.
Thấy không can ngăn được, người mẹ và chị đành lo chuẩn bị mọi thứ cho hai cha con lên đường. Trước đó người mẹ đã may áo mới cho hai con ăn tết, bây giờ bà liền hỏi cô gái nhỏ:
– Con muốn mẹ nhuộm áo cho con màu gì?
Cô bé nhìn ra ngoài đồi núi, rồi đáp:
– Con rất thích màu vàng!
Người mẹ liền giã nghệ nhuộm cho con một màu vàng thật tươi. Ngày lên đường, cô bé mặc chiếc áo vàng, nhìn càng khỏe, càng đẹp. Cô nói với mẹ và chị:
– Diệt xong con quái lúc về con sẽ mặc áo này cho mẹ và chị nhận ra được con ngay từ xa…
Trước khi đi cô gái cũng không quên khấn chào ông Táo đá núi và hứa:
– Cháu sẽ trở về kể chuyện diệt quái cho ông nghe.
Ông Táo liền hiện ra nói:
– Chúc hai cha con mau trừ được quái. ông sẽ chờ ngày trở về…
Hai cha con đi ròng rã hơn một tháng trời mới vào đến nơi có con quái đầu người mình rắn. Nghỉ ngơi được dăm ba ngày, hai người liền đi tìm quái để diệt. Hai cha con đánh nhau với nó hai ngày liền mà không diệt nổi. Sức của người cha thì cứ yếu dần. Cô bé liền thưa với cha:
– Cha ơi! Ngày mai cha cứ để cho con bám sát nó. Con sẽ đâm một con dao găm chặt đuôi nó vào thân cây này, đâm một con dao cắm chặt mình nó vào thân cây khác. Nó không quăng mình đi được thì ta sẽ lựa thế mà chặt đầu nó đi. Người cha biết cách đánh đó hay nhưng rất nguy hiểm.
Tin vào tài nghệ của con, ông gật đầu:
– Được! Nhưng con phải đề phòng cẩn thận nếu nó dứt được đuôi ra.
– Cha cứ yên tâm.
Ngày hôm sau theo cách đánh ấy, hai cha con quả đã diệt được quái. Nhưng trước khi chết nó đã quẫy mạnh một cái, dứt được cái đuôi ra khỏi mũi dao. Sau đó nó liền cuốn ngay lấy người cô bé.
Cô bé vừa chặt được cái đầu con quái thì cũng bị con quái quấn gẫy cả xương mềm nhũn cả người. Thấy con gái yêu của mình chết, người cha buông rơi cả thanh kiếm, chạy đến đỡ lấy xác con. Bà con trong vùng cũng vừa chạy đến. Họ đem xác cô gái về chôn cất rồi lập đền thờ. Nhưng cô gái đâu chịu chết như vậy.
Vì cô biết rằng cha mẹ chị mình cùng bà con vùng trong, vùng ngoài đều yêu quý mình, mà cô cũng yêu quý và muốn sống với họ. Cô xin thần Đất giúp cô biến thành một con chim lông vàng rực rỡ, một con chim chưa ai thấy bao giờ rồi bay về quê nhà xin gặp ông Táo đá núi:
– Ông ơi! Cháu bị con quái quấn chết. Nhưng cháu mà chết thì mẹ cháu, chị cháu làm sao sống nổi. Vậy đêm nay hăm ba Tết, ông có về trời ông hãy tâu với trời cho cháu sống lại…
Ông Táo đá núi liền hứa:
– Được, ông sẽ tâu giúp cho cháu…
Con chim lông vàng rực rỡ liền bay xuống chỗ mẹ và chị đang ngồi, kêu lên mấy tiếng rồi bay đi. Cũng vừa lúc đó người mẹ và chị biết tin là cô gái nhỏ đã không còn nữa. Bà mẹ ngã ra chết giấc bên bếp lửa. ông Táo đá núi liền đưa hai bàn tay ấm nóng áp vào trán cho bà tỉnh lại và nói ngay:
– Bà cứ yên tâm. Đêm nay về trời, tôi sẽ xin trời cho cháu sống lại.
Hai mẹ con nghe nói mừng quá liền sụp xuống lạy tạ ơn. Ông Táo đi tối hăm ba thì tối hăm tám ông trở về hạ giới. ông nói với hai mẹ con:
– Trời rất thương cô bé nhưng cháu chết đã quá ngày, xin sống lại quá chậm. Vì vậy trời chỉ có thể cứu cho cháu mỗi năm sống lại được chín ngày.
Hai mẹ con nghe nói vừa buồn nhưng cũng vừa mừng. Thôi cứ được trông thấy con, thấy em trong giây lát cũng đã đỡ khổ rồi. Huống gì lại được thấy đến chín ngày. Bà mẹ liền hỏi:
– Ông ơi! Bao giờ thì cháu sống lại được?
– Tùy hai mẹ con cứ cầu trời sống từ ngày nào, trời sẽ cho ngày ấy.
– Vậy nhờ ông xin cho cháu sống lại ngay đêm nay!
– Đêm nay thì chưa được, sớm nhất là phải từ đêm mai!
– Vâng, ông xin cho cháu sống lại từ đêm mai vậy!
Hai mẹ con suốt đêm hôm ấy cứ thức mãi. Cả ngày hôm sau, hai mẹ con đều chẳng muốn làm gì. Chỉ mong cho trời chóng tối. Chờ mãi rồi trời cũng tối thật. Hai mẹ con hồi hộp đợi, không biết con mình, em mình sẽ sống lại trở về như thế nào. Định khấn gọi ông Táo thì bỗng nghe ngoài cổng có tiếng gọi:
– Mẹ ơi! Chị ơi!
Hai mẹ con vụt chạy ra và thấy đúng là cô gái nhỏ đã trở về. Trong chiếc áo vàng vẫn sáng lên nhìn rất rõ. Ba mẹ con ôm nhau khóc như mưa. Ngày hôm sau người cha cũng từ vùng trong trở về.
Dọc đường thương con, thương vợ ông chưa biết sẽ nói gì cho vợ và con ở nhà đỡ khổ. Không ngờ khi về đến nhà đã thấy cô gái nhỏ đang nằm ngủ bên cạnh mẹ và chị. Ông dụi mắt tưởng là con bé nhà ai đến chơi. Khi biết cô gái nhỏ đã được sống lại, trở về ông liền ôm chầm lấy con và cứ để cho nước mắt chảy dài trên má.
Cô gái nhỏ ăn Tết với cha mẹ và chị đúng chín ngày. Trong chín ngày đó, cô gái nhỏ dành làm hết mọi công việc để giúp cha mẹ, giúp chị. Nhưng cả nhà lại không muốn cô gái làm việc gì. Trong chín ngày, họ sống bù cho cả một năm sắp phải xa nhau. Đến đêm thứ chín trời vừa tối, cô bé vừa kịp ôm lấy cha, mẹ và chị để chào ra đi thì người cô bỗng cứ mờ dần như sương khói rồi biến mất. Cả nhà buồn rầu, thương nhớ cô gái nhỏ vô cùng.
Nhưng nghĩ đến chuyện Tết năm sau, cô sẽ về, mọi người lại ôn ủi nhau, lại kiên nhẫn chờ đợi… Và năm sau, cũng vào chiều hai chín Tết, cô gái nhỏ áo vàng lại trở về ăn Tết với gia đình rồi đến tối mồng Bảy lại ra đi… Năm nào cũng thế. Nghe chuyện lạ, người vùng trong liền cử người ra mời cả gia đình vào sinh sống trong đó để bà con được trả ơn và gặp lại cô gái nhỏ đã giúp bà con diệt được con quái đầu người mình trăn.
Thấy sức người cha đã suy yếu, cả nhà bàn với nhau và nhận lời. Từ đấy hàng năm, cô gái nhỏ áo vàng lại trở về sống chín ngày cuối năm, đầu Xuân với cha mẹ, với bà con vùng trong.
Khi cha mẹ và chị đều mất cả, cô gái không về nữa. Cô hóa thành một cây hoa ngay ở ngôi đền bà con đã dựng lên để thờ cô. Cây ấy hầu như cả năm chỉ có lá, nhưng cứ vào khoảng gần Tết, hoa lại nở đầy. Hoa màu vàng tươi như màu áo của cô gái nhỏ ngày trước.
Hoa vui Tết với bà con khoảng chín mười ngày rồi rụng xuống đất, biến mất để năm sau lại trở về. Cây hoa ấy ngày nay ta gọi là cây Mai Vàng. Ngày Tết ở miền Trung và ở Nam Bộ, bà con thường mua một cành mai vàng về cắm trên bàn thờ ông bà. Họ tin rằng, có cành mai vàng vừa đẹp nhà vừa vui Tết lại vừa có thể xua đuổi được hết các loài ma quái trong suốt cả năm.
Sự tích cây hoa phượng
Ngày xưa, ở một vùng đất đồi kia, có một ông thầy dạy võ nổi tiếng về tài đánh kiếm. Vợ ông chết sớm, ông thương vợ, không lấy ai nữa nên ông không có con. Ông đi xin năm người con trai mồ côi ở trong vùng về làm con nuôi. Ngoài những giờ luyện võ, ông lại cho năm người đi học chữ, vì ông muốn năm người cùng giỏi võ, giỏi văn.
Tuổi năm người con xấp xỉ ngang nhau. Năm ấy, họ chỉ mới mười ba, mười bốn… Người nào học cũng khá và tài múa kiếm thì nổi tiếng khắp vùng. Ai cũng dễ nhận được họ vì ông sắm cho năm người năm bộ quần áo màu đỏ, để mặc ra đường. Thương cha nuôi nên năm người con rất biết nhường nhịn nhau và yêu quý mọi người trong làng…
Năm ấy trong nước có loạn. Giặc ngoài kéo vào. Nhà cháy, người chết. Tiếng kêu khóc và lòng oán giận cứ lan dần, lớn dần. Đâu cũng đồn tên tướng giặc có sức khỏe kỳ lạ. Chỉ cần đạp nhẹ một cái cũng làm bật gốc được một thân cây to.
Hắn lại sử dụng một cây thương dài và nặng, đâm chết từng xâu người một cách dễ dàng. Mọi người còn đồn thêm rằng hắn sở dĩ khỏe như vậy là vì hắn thích ăn thịt sống và đặc biệt hơn là chỉ thích ăn toàn xôi gấc chứ không thích ăn cơm. Mỗi lần hắn ăn hàng chục cân thịt cùng với một nong xôi gấc lớn.
Người thầy dạy võ ở vùng đất đồi nọ định xin vua đi đánh giặc thì ngã ra ốm. Tay chân ông bị co quắp cả lại. Cụ lang giỏi nhất vùng đến xem bệnh và chỉ biết là ông uống phải thuốc độc.
Ai cũng nghi tên tướng giặc đã ngầm cho những kẻ chân tay của hắn đi tìm giết trước những người tài giỏi trong nước. Người thầy dạy võ vừa uống thuốc, vừa ngày đêm ra sức tập luyện để tay chân mình lại cử động được như xưa.
Một buổi sáng, tên tướng giặc bất thình lình phóng ngựa, dẫn quân lính của hắn kéo ập vào làng.
Hắn thấy ông thầy dạy võ đang lấy chân đạp vào một gốc cây sung to. Cây sung lúc đầu bị rung khe khẽ, rồi mỗi lúc rung một mạnh hơn. Sau đó, ông nhấc một cái cối đá to đưa lên, đưa xuống, vẻ còn mệt nhọc.
Đây là câu truyện cổ tích Việt Nam, thể hiện tinh thần yêu nước và tình nghĩa cha con, đồng thời lí giải nguồn gốc tên gọi cây hoa Phượng vĩ. Ảnh minh họa
Tên tướng giặc cười phá lên rồi xuống ngựa giơ chân đạp nhẹ vào thân cây sung. Thế là cây sung bị gãy ngang và ào ào đổ xuống. Hắn lại nhẹ nhàng đưa một tay tóm lấy cái cối đá ném vứt đi, như ta ném một hòn gạch con và cho rơi ùm xuống cái ao lớn gần đấy.
Hắn gọi mấy tên quân đến trói chặt ông thầy dạy võ lại rồi bảo:
– Ta nghe nói ngươi muốn đi đánh ta phải không? Bây giờ thì mạng ngươi nằm trong tay ta rồi! Muốn sống thì hãy giết một con bò tơ, lọc năm mươi cân thịt ngon nhất, nấu một nong xôi gấc rồi mang đến chỗ ta đóng quân ở trên ngọn đồi giữa làng. Phải đội trên đầu mà đi chứ không được gánh. Đi luôn một mạch, không được dừng lại hay đặt xuống nghỉ. Đội thịt đến trước! Đội xôi đến sau!
Nói xong, hắn ra lệnh cởi trói cho ông. Người thầy dạy võ giận tím ruột, tím gan nhưng chẳng nói gì.
Lúc ấy năm người con đang đi vắng, họ phải đi học chữ xa làng và lại sắp đến mùa thi. Không ai dám rời cái bút cái nghiên. Nhưng vừa nghe tin giặc kéo đến làng, họ lập tức đeo gươm vào người mà xin thầy cho về. Về đến nhà, nghe cha kể chuyện lại, năm người con nổi giận, muốn chạy đi tìm tên tướng giặc hung ác để giết ngay.
Người bố liền khuyên:
– Không được! Lúc nào quân lính của hắn cũng vây quanh, khó mà đến gần. Ngọn thương của hắn lại có thể đâm chết người từ rất xa. Các con cứ bình tĩnh, ta đã có cách khử hắn!
Người cha đi vay tiền mua một con bò tơ, mổ thịt, rồi lọc lấy năm mươi cân thịt ngon nhất để vào một cái nia to. Ông lại đi vay ba gánh nếp trắng, đi xin ba chục quả gấc đỏ, nấu một chục nồi xôi thật dẻo. Ông đội nia thịt bò tơ đến trước. Chân ông còn đau, năm mươi cân thịt đội trên đầu không phải là nhẹ. Ông đội nia đi, mồ hôi vã ra đầy trán.
Tên tướng giặc thấy ông đội thịt đến, mồm cứ nuốt nước bọt ừng ực. Hết nuốt nước bọt ừng ực, hắn lại khoái trá cười to. Còn người đội thịt thì bấm ruột chịu đựng và nghĩ thầm:
– Cho ngươi cứ cười, rồi ngươi sẽ biết…
Tên tướng giặc cười nhận thịt xong quát to lên và giục:
– Còn nong xôi nữa, ngươi về đội đến đây ngay!
Người thày dạy võ lại về đội nong xôi đến. Nong xôi to và nặng hơn nia thịt nhiều. Nhưng xôi nấu ngon và nhìn đẹp quá. Ông đội nong xôi đi đến đâu, ở đó cứ thơm lừng. Mới đi được nửa đường, mồ hôi ông đã vã ra đầy mặt, đầy người. Đôi chân ông mỗi lúc một yếu, cứ run lẩy bẩy. Cái cổ cứ như muốn gãy gập lại. Ông vẫn bặm môi, cắn răng và bắt đầu leo lên đồi.
Tuy mệt lử nhưng đôi mắt ông sáng quắc và lòng ông rất vui. Ông tự nhủ:
– Gắng lên! Chỉ cần một lúc nữa, một lúc nữa…
Tên tướng giặc ngồi trên cao theo dõi, vừa hả dạ, vừa lo lắng. Hắn nghĩ:
– Tên này không bị thuốc độc của ta thì khó mà trị được hắn. Mà ngay bây giờ, hắn vẫn là một tay đáng sợ.
Cái nong xôi gấc to lớn, thơm lừng vẫn lù lù tiến lên đồi. Mặt người đội xôi tái hẳn lại. Chỉ có đôi mắt. Đôi mắt vẫn sáng quắc. Nong xôi có lúc lảo đảo, ngả nghiêng, nhưng liền đó lại gượng lại, rồi nhích dần lên.
Tên tướng giặc vội giật lấy thanh gươm của tên lính hầu rồi đứng phắt dậy, phóng gươm đi. Đường gươm sáng rực lên như một tia chớp, cắm vào bụng người thầy dạy võ làm ông chực gục xuống. Nhưng ông đã gượng đứng thẳng lên và đưa tay rút lưỡi gươm ra, phóng lại vào ngực kẻ thù. Tên giặc tránh được.
Bỗng từ trong nong xôi, năm người con nằm quây tròn được xôi phủ kín, đã vung kiếm nhảy ra và như năm làn chớp đâm phập cả vào ngực tên giặc tàn ác. Quá bất ngờ, tên tướng giặc không chống đỡ kịp, rú lên một tiếng rung cả ngọn đồi rồi ngã vật xuống. Thấy tướng đã chết, bọn lính giặc hoảng quá, kéo nhau chạy bán sống bán chết.
Dẹp giặc xong, năm người con trai trở về ôm lấy xác người cha nuôi khóc vật vã mấy ngày liền. Cả làng cùng năm người con lo chuyện chôn cất rất chu đáo. Dân làng mỗi người một nắm đất đắp cho ngôi mộ ông thầy cao lên.
Thương bố nuôi, năm người con lại trồng quanh khu mộ năm gốc cây con, một giống cây có lá đẹp như thêu và có nhiều bóng mát.
Hàng năm, đến ngày giỗ bố, họ lại đem áo đỏ ra mặc. Đến lúc năm người lần lượt chết đi thì năm cái cây họ trồng quanh khu mộ người bố cũng lần lượt ra hoa màu đỏ thắm, đúng vào ngày giỗ người thầy dạy võ. Hoa đỏ như muốn nói với mọi người rằng: Tuy chết đi, nhưng năm người con vẫn yêu thương người cha nuôi và hàng năm đến mùa giỗ cha, họ lại mặc áo đỏ để tưởng nhớ người đã khuất…
Hoa có năm cánh đỏ rực và nhìn cả cây hoa nở rộ, người ta thấy giống như một mâm xôi gấc. Cái mâm xôi ngày nào người cha đã giấu năm người con trong đó và đội đi giết giặc. Đó là sự tích cây hoa Phượng ngày nay.
Mỗi năm, khi mùa Hè đến, mùa thi đến, hoa Phượng lại nở đỏ đầy cây, đầy trời. Khi mùa Hè qua, trên khắp các cành cây, người ta lại thấy hiện ra những quả Phượng dài như những thanh gươm của năm người con trai ngày trước…
Sự tích hoa tường vi
Đó là câu chuyện tình của Tường Vi, một nàng công chúa tóc dài, sống lẻ loi trong cung điện trên vùng thượng nguồn.
Trời cao nguyên lạnh lẽo càng khiến cho dung nhan của nàng thêm phần xinh đẹp: mái tóc dài óng ả, làn da trắng căng mịn, gương mặt trắng hồng như bông, đôi môi mọng đỏ trong màn sương xám, và nhất là đôi mắt ướt của nàng lúc nào cũng sáng long lanh như những giọt sương buổi sớm. Chính vẻ đẹp ấy đã khiến công chúa Tường Vi trở nên nổi tiếng khắp nơi.
Nhưng lúc nào trong lòng nàng cũng mang một nét buồn sâu thẳm. Sở dĩ nàng phải chịu cảnh sống lẻ loi giữa vùng hẻo lánh này bởi vì lời tiên đoán của một nhà tiên tri với vua cha rằng, cuộc đời nàng sẽ phải chịu nhiều bất hạnh. Vua cha vì sợ, và thương con gái, nên đành đem nàng đi cất giấu ở nơi đèo heo khuất gió này để tránh khỏi hung tà.
Thế nhưng tiếng đồn xa gần về sắc đẹp của Tường Vi lan đi rất nhanh. Nhất là vào những buổi chiều, khi giọng hát của nàng lan rộng khắp núi đồi, hòa vào hợp âm của những chú chim non hót véo von xung quanh và những con giớ reo trên biển.
Bao nhiêu người vì vẻ đẹp của nàng mà đã bất chấp cả lời tiên đoán, đến ngỏ ý muốn lấy nàng làm vợ. Nhưng vua cha vẫn một mực từ chối, trong thâm tâm nhà vua tuy lo lắng, nhưng vẫn luôn để ý kiếm tìm cho nàng một phò mã xứng danh.
Truyện kể rằng:
“Trên đất Nhật, có nàng Keiko mồ côi cha mẹ từ nhỏ và phải tự kiếm sống bằng nghề làm hoa giấy. Nàng làm việc vất vả suốt từ sáng sớm đến tối mịt, nhưng hoa bán được nhiều mà lãi chẳng đáng là bao. Làm việc mệt nhọc mà vẫn không có nhiều tiền để mua cho mình một bộ kimono. Nàng lấy làm buồn lòng.
Rồi đến một ngày, có một chú vẹt đã cho nàng biết được bí quyết làm hoa giấy thành hoa thật nhờ vào việc tiếp tế cho chúng những giọt máu của chính mình. Khi biết được nàng đã nhỏ những giọt máu lên hoa giả để biến chúng thành hoa tươi.
Sự tích hoa Tường Vi là truyện cổ tích kể về một nàng công chúa xinh đẹp, chung thủy chờ chồng, qua đó giải thích nguồn gốc của loài hoa Tường Vi ngày nay. Ảnh minh họa
Hoa của Keiko trở nên đẹp một cách kỳ lạ và nàng làm không kịp bán. Keiko giàu lên nhanh chóng. Tiền đã giúp cô thay đổi thành một thiếu nữ xinh đẹp, điệu đà. Tiền đã đưa cô đến với vũ hội, gặp được người cô yêu. Người yêu của Keiko muốn rằng cô sẽ kiếm đủ tiền để mua cho cả hai một ngôi biệt thự.
Để thực hiện ước mơ này, hoa tươi cần được bán nhiều hơn. Keiko bắt đầu lao động cật lực hơn và tất nhiên máu ở đầu ngón tay cô cũng phải chích nhiều hơn. Rồi Keiko cũng mua được ngôi nhà nhưng rất nhỏ nên chẳng làm chồng nàng thỏa nguyện. Hoa tươi lại buộc phải bán nhiều hơn nữa. Nhiều mãi, nhiều mãi cho đến một ngày cuối cùng của nàng cũng bị vắt kiệt trước cái giá quá hời của một vị khách Pháp.
Cây hoa với một bông đỏ thắm này đã biến giấc mơ sống trong biệt thự của người chồng ích kỷ thành sự thực. Nhưng nó cũng lấy đi hơi thở cuối cùng của Keiko. Còn vị khách đặc biệt yêu thích hoa tươi của Keiko thì hân hoan mang nó về nước và trìu mến gọi nó là mộc lan. Từ đó, loài người cùng lúc có thêm một huyền thoại buồn và một loài hoa quý mang tên hoa mộc lan.
Đây là loài hoa tượng trưng cho vẻ đẹp thuần khiết và sự hi sinh cao cả của người phụ nữ, một loài hoa có một câu chuyện buồn ẩn sau vẻ đẹp quý phái, thanh thuần.
Một ngày kia, Tường Vi lâm bệnh nặng. Thầy thuốc hết sức chữa trị đành cúi đầu chịu thua. Đúng lúc đó, nhà tiên tri ngày nọ lại xuất hiện, ông nói bệnh của công chúa chỉ có thể chữa được bằng cánh lá của một loài hoa trắng, mọc cheo leo trên đỉnh núi, giữa hai vực thẳm và một ngọn thác. Thương con, nhà vua quyết cho tâm tìm cho bằng được cánh hoa đó để cứu công chúa, nên truyền lệnh xuống, hễ ai kiếm được đóa hoa đó, sẽ được lấy nàng công chúa làm vợ và kế vị ngôi báu.
Bao nhiêu chàng trai đua nhau vào rừng tìm kiếm, nhưng đều thất vọng trở về, còn sức khỏe của Tường Vi thì cứ như bóng chiều tắt nắng.
Giữa lúc mọi người đang tuyệt vọng, bỗng một hôm, có một người tiều phu trẻ tuổi, bộ dạng nghèo nàn đến cung điện đem dâng lên nhà vua bông hoa màu trắng. Từng cánh hoa như có phép lạ, dần làm hồi phục sức khỏe của công chúa. Đôi mắt nàng từ từ mở ra, và người đầu tiên mà nàng nhìn thấy chính là chàng trai nghèo khó đã đã mang bông hoa đến để chữa bệnh cho mình.
Thấy con gái khỏe lại, nhà vua vô cùng vui mừng, giữ đúng lời hứa mình, phong cho chàng trai làm phò mã.
Tuy nhiên, lễ cưới được cử hành chưa được bao lâu, thì đất nước có giặc ngoại xâm. Tuân lệnh vua cha, chàng phò mã trẻ cầm quân ra trận, tạm thời chia tay với người vợ yêu dấu của mình. Họ hẹn nhau ngày trở về đoàn tụ. Chiều chiều, những cơn gió vẫn giúp hai người trò chuyện và những cánh chim gửi tin vẫn đều đặn bay về.
Một hôm, Tường Vi bặt tin của chồng. Tiếng hát của nàng dường như loãng vào khoảng không, chỉ còn tiếng vọng lại từ gió núi bạt ngàn. Nàng chờ mãi tin chồng, nhưng những cánh chim bay đi, rồi lại trở về lặng lẽ. Đoán điềm chẳng lành đã xảy ra, chiều chiều nàng ra nơi thác núi, tiếp tục chờ ngóng tin của chồng.
Cho đến một buổi chiều, chim bay về đem tin chẳng lành. Nàng bật khóc nước nở. Quá nhớ thương người chồng đã anh dũng hi sinh nơi sa trường bảo vệ đất nước, trong giây phút tuyệt vọng, Tường Vi đã gieo mình theo dòng thác, mất tích giữa dòng nước ồ ạt.
Từ nơi chân nàng đứng, theo những giọt nước mắt rơi xuống, về sau người ta tìm thấy một loài hoa mới, với dáng dấp y hệt như đóa hoa trắng của chàng tiều phu trẻ tuổi đã dâng nhà vua năm nào. Đóa hoa nở cạnh bên dòng thác, êm đềm, dịu dàng, nhưng vẫn kiêu sa đứng vững giữa đất trời khắc nghiệt của cao nguyên.
Lạ hơn nữa, trong những ngày u buồn nhất, khi những người lữ khách vô tình soi bóng trên dòng nước, sẽ thấy bóng phản chiếu của những đóa hoa mang màu mắt long lanh, và bóng hình y hệt đôi mắt nàng công chúa.
Từ đó hoa mang tên Tường Vi, để tưởng nhớ đến nàng công chúa chung thủy chờ chồng.
Sự tích hoa cỏ mây
Ngày xửa ngày xưa, tại một ngôi làng nọ có đôi trai gái yêu nhau rất thắm thiết. Nàng xinh đẹp, là con gái của một gia đình giàu có, một tiểu thư khuê các, còn chàng chỉ là anh đốn củi nghèo, mồ côi sống trong túp lều tranh xơ xác. Có không ít những người môn đăng hộ đối muốn cùng nàng “kết tóc xe tơ”, nhưng nàng chẳng cảm mến ai, vì trọn con tim đã gửi cho chàng trai chăm chỉ, thật thà, tốt bụng.
Mối tình của họ không được chấp thuận, bố mẹ nàng dựa vào gia thế, luôn tìm mọi cách để có thể đuổi chàng ra khỏi làng, hòng ngăn cản hai người.
Vì quá yêu nhau, họ bàn bạc đi đến một nơi thật xa, nơi không ai biết để cùng làm ăn sinh sống. Họ chấp nhận cơ cực để được sống bên nhau trọn đời. Nhưng cuộc sống cơ cực đã biến nàng từ một tiểu thư khuê các thành người đàn bà lam lũ.
Nhìn người vợ trẻ rất mực yêu quý phải vất vả đầu tắt mặt tối, chàng không an lòng, tự dày vò, trách cứ bản thân đã không đem lại được cuộc sống đầy đủ cho vợ. Nỗi day dứt khiến chàng quyết chí ra đi làm giàu. Chàng để chút vốn liếng ít ỏi còn lại đỡ đần người vợ trẻ rồi ra đi, hẹn một năm sau trở về với cuộc sống đầy đủ, khá giả hơn.
Người con gái ở nhà dệt vải, trồng rau, nuôi trong mình niềm hy vọng mãnh liệt chàng sẽ trở về. Một năm, hai năm, rồi ba năm… thời gian cứ đằng đẵng trôi đi, nàng vẫn không nhận được tin tức của chồng. Nỗi nhớ nhung cùng niềm mong mỏi làm nàng ngày càng trở nên xơ xác, héo hon. Tình yêu, niềm tin vào người chồng thật thà, tốt bụng khiến nàng quyết định đi tìm chàng với ước mong về một ngày mai đoàn tụ.
Sự tích hoa Cỏ May là câu chuyện cổ tích giải thích nguồn gốc ra đời của một loài hoa và nói về tấm lòng thủy chung, son sắc của người phụ nữ Việt Nam. Ảnh minh họa
Nàng ra đi, đi đến đâu cũng hỏi về tung tích người chồng yêu quý. Biển người mênh mông bao nhiêu, đất trời rộng lớn bao nhiêu cũng không làm người con gái ấy nản lòng. Tình yêu vẫn luôn thường trực và bùng cháy trong sâu thẳm trái tim, một trái tim khát khao kiếm tìm hạnh phúc.
Thế nhưng tình yêu, niềm tin và hy vọng của nàng cuối cùng chỉ đổi lại bằng những cái lắc đầu, xua tay. Nàng cứ đi, đi mãi, cho đến một ngày mệt quá xỉu lúc nào không hay. Nàng nằm xuống, trong lòng vẫn đau đáu nỗi niềm chờ mong, hy vọng.
Cảm kích trước tình yêu son sắt thủy chung của người vợ trẻ, sau khi nàng chết, Ngọc Hoàng đã hóa phép biến nàng thành một loài hoa cỏ. Loài hoa cỏ màu tím bàng bạc, có sức sống mãnh liệt ấy có tên là hoa Cỏ May, giống như tình yêu thủy chung của nàng.
Chị gió tốt bụng cảm động trước tấm chân tình của người con gái đã đem loài hoa cỏ ấy đi khắp mọi nơi trên các nẻo đường gần xa. Dù người con gái ấy không còn nữa, nhưng tình yêu của nàng thì bất diệt cùng tháng năm, để rồi mỗi lần có khách đi đường ngang qua, nàng vẫn cố gắng níu bám vạt áo họ để hỏi thăm tin tức về chồng.
Từ đó, câu chuyện sự tích hoa Cỏ May được người đời kể lại, như một sự sẻ chia nỗi niềm thương xót của tình yêu xa cách và nói về tấm lòng thủy chung, son sắc của người phụ nữ Việt Nam.
Bài học hay từ những câu chuyện về các loài hoa
Những câu chuyện cổ tích hư cấu, song đồng thời cũng giúp những tác giả dân gian truyền tải thông điệp về sự bất diệt của cái thiện. Mượn hình ảnh của những loài hoa mà cổ vũ lòng người, kêu gọi mọi người giữ được bản chất thiện lương trong tâm hồn mình.
Những câu chuyện cổ tích mượn hình ảnh của những loài hoa để cổ vũ lòng người, kêu gọi mọi người giữ được bản chất thiện lương trong tâm hồn mình.
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/top-4-su-tich-ve-cac-loai-hoa-hay-nhat-day-be-biet…
Theo Hạ Mây (thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)