Mỗi câu chuyện cổ tích về các loài vật tuy ngắn gọn nhưng chứa đựng nhiều bài học hay, dạy bé kỹ năng sống cần thiết.
Dê con nhanh trí
Trong ngôi nhà kia có Dê mẹ và một chú Dê con. Một hôm, trước khi ra đồng cỏ, Dê mẹ dặn Dê con:
– Con ở nhà cho ngoan, mẹ đi ra đồng ăn một ít cỏ tươi để có nhiều sữa ngọt cho con bú. Ai gọi cửa cũng đừng mở nhé! Nếu không thì con Sói vào ăn thịt con đấy!
Dê con vâng lời mẹ và hỏi thêm:
– Thế mẹ về thì làm sao con biết mà mở cửa?
Dê mẹ khen con thông minh và dặn con:
– Lúc nào mẹ về, mẹ sẽ nói: “Con chó Sói hung ác, đuổi cổ nó đi”, thế là con mở cửa cho mẹ.
Nhưng con Sói hung ác nấp gần đó đã nghe Dê mẹ dặn Dê con như thế rồi. Dê mẹ vừa đi khuất, con Sói hung ác đã chạy lại gõ cửa: “Cạch, cạch , cạch! Con chó Sói hung ác, đuổi cổ nó đi”, Dê con ở trong nhà, nghe tiếng gõ cửa vội vàng chạy ra. Nghe đúng câu mẹ dặn, nó định mở cửa nhưng nghe tiếng ồm ồm, không giống tiếng mẹ, Dê con liền nghĩ ra một kế và bảo:
– Mẹ đấy ư? Sao hôm nay tiếng mẹ lại ồm ồm thế?
Con Sói sợ bị lộ nhưng vẫn khôn ngoan trả lời:
– Mẹ ra đồng bị cảm gió nên khản tiếng đấy.
Dê con vẫn còn ngại:
Ảnh minh họa
– Mọi lần mẹ về vẫn thò chân vào khe cửa cơ mà! Chân mẹ thon thon, con nhìn là biết ngay!
Con Sói lại tìm cách chống chế:
– Mẹ giẫm phải gai, sưng vù lên, thò vào khe cửa không vừa nữa. Con mở cửa cho mẹ vào! Dê con cúi sát xuống đất nhìn qua khe cửa. Nó thấy cái chân lem luốc, đen sì. Nó bảo chó Sói:
– Thôi, anh Sói ơi! Chính anh rồi! Anh cút đi kẻo mẹ tôi về húc cho anh vỡ bụng ra đấy! Chân anh đen sì thế kia kìa! Ai còn lạ gì nữa! Bị lộ, con Sói vội vàng bỏ đi. Nhưng nó vẫn nghĩ cách lừa Dê con. Nó chạy ngay đến một cửa hàng bánh. Chờ lúc người làm bánh đi vắng, nó liền thò chân vào thùng bột, bột dính đến đầu gối. Xong xuôi, nó chạy về gọi Dê con:
– Cạch cạch cạch! Con chó Sói hung ác, đuổi cổ nó đi!
Dê con vội chạy ra, ngó qua khe cửa, lần này nó thấy rõ ràng 4 chân trắng. Thôi, đích là mẹ đã về! Nhưng cái mũi thính của nó lại ngửi thấy mùi gì hôi hôi chứ không thơm như mùi sữa của mẹ. Dê con ngần ngại, khe khẽ bắt ghế trèo lên nghếch cổ nhìn qua khe tường. Nó thấy hai cái tai lem luốc và nhọn hoắt. Thôi đúng là tai Sói rồi, Dê con gọi chó Sói và bảo:
– Tai anh đen và nhọn, chẳng giống tai mẹ tôi đâu! Anh Sói hung ác ơi, cút ngay đi kẻo mẹ tôi về, mẹ tôi lại húc cho anh vỡ bụng đấy! Sừng mẹ tôi nhọn lắm.
Con Sói sợ bị lộ, vội vàng bỏ chạy. Nó cố hết sức tìm cách giấu đôi tai lem luốc và nhọn hoắt mà không được. Nó chưa dám trở lại thì Dê mẹ đã về gõ cửa “Cạch, cạch, cạch! Con chó Sói hung ác, đuổi cổ nó đi!”
Dê con nghe đúng tiếng mẹ. Nó cúi nhìn qua khe cửa, đúng là chân mẹ. Nó trèo lên nhìn qua khe tường, đúng là tai mẹ. Nó mở ngay cửa cho mẹ vào và kể chuyện con Sói đến lừa cho mẹ nghe. Dê mẹ ôm con vào lòng và khen con giỏi.
Dê mẹ cho Dê con bú một bữa sữa thơm và ngọt.
Ông lão và con lừa
Ông lão nhà quê và đứa cháu bàn nhau đem con lừa ra hội chợ bán. Để con lừa khỏi mệt mỏi hầu có thể bán được giá cao, họ buộc chân lừa lại và hai ông cháu khệ nệ gánh con lừa đi.
Đi được một đoạn, người đi đường thấy thế phá ra cười và bảo: “Có con lừa mà không chịu cỡi lại khiêng nó. Sao mà ngu thế!” Ông lão nhận thấy mình ngu thật, vội để con lừa xuống, cởi trói cho nó, và để đứa cháu cỡi lên lưng lừa, còn ông thì đi theo sau.
Một lúc sau, khách bộ hành trông thấy thế, mắng thằng cháu: “Mày là đồ bất hiếu bất mục! Sao lại để Ông mày già yếu thế mà đi bộ. Chính mày phải đi bộ mới phải!” Một lần nữa, nghe theo ý khách bộ hành, Ông già leo lên lưng con lừa, đứa cháu bước theo sau.
Đến một đoạn đường khác, ba cô gái đi qua thấy vậy, một cô bảo: “Tội nghiệp thằng bé, phải đi khập khễnh theo sau, trong khi ông già tưởng mình khôn ngoan lại ngồi chễm chệ trên lưng lừa!” Ông già nhận thấy ý kiến đúng, bảo thằng cháu cùng lên ngồi trên lưng lừa.
Ảnh minh họa
Rồi một toán người khác đi ngang qua lại phê bình: “Sao lại bắt con lừa đáng thương ấy chở nặng như vậy? Họ không biết thương hại con vật già nua của họ tí nào cả.
Ra đến hội chợ thì họ chỉ còn mảnh da lừa để bán!” Một lần nữa, hai ông cháu xuống đi bộ, để con lừa đi thong dong đằng trước.
Vẫn chưa hết, một khách qua đường thấy vậy than rằng: “Sao họ không để con lừa vào lồng kính mà thờ! Họ đi mòn giầy của họ để bảo vệ con lừa. Đúng là ba con lừa!”
Bấy giờ Ông lão mới trả lời: “Vâng, chính tôi là con lừa! Nhưng từ nay về sau, dù người ta khen hay chê tôi, dù người ta nói điều gì hay không nói điều gì, tôi chỉ làm theo đầu óc của tôi mà thôi!”
Truyện ngụ ngôn về loài vật
Sư tử và gấu
Sư tử và Gấu nhìn thấy xác Hươu liền tranh nhau miếng mồi. Hai con mãi đánh nhau nên không thấy Cáo cũng mò đến. Lợi dụng lúc Sư tử và Gấu không chú ý tới mình, Cáo tha Hươu vào bụi ăn một bữa no rồi ngấm độc ngã lăn ra chết.
Vật nhau một hồi, Sư tử và Gấu không thấy Hươu đâu nữa liền buông nhau đi tìm mới thấy Cáo chết vì thịt Hươu nhiễm độc. Sư tử và Gấu lúc đó mới bảo nhau rằng:
– Đáng đời cho con Cáo láu lỉnh và tham lam kia, nhờ nó mà hai ta khỏi chết.
Chuyện hai con ngựa
Ngựa Cái ngày đêm không làm lụng gì hết và chỉ tha thẩn trên cánh đồng, còn Ngựa Đực đêm đêm mới được thả đi ăn, ban ngày phải cày đất. Thấy vậy Ngựa Cái mới bảo Ngựa Đực:
– Anh việc gì phải kéo cày? Giá tôi ở địa vị anh thì tôi không có chịu. Chủ mà lấy roi quật tôi, tôi sẽ tung vó đá lại.
Sang ngày hôm sau, Ngựa Đực bèn nghe lời Ngựa Cái. Bác nông dân thấy Ngựa Đực trở nên ương bướng, bèn đóng Ngựa Cái vào vai cày.
Xúi giục kẻ khác làm bậy trước tiên làm hại chính mình.
Ảnh minh họa
Hai con gà trống
Có hai con gà cùng một gà mẹ sinh ra và nuôi dưỡng. Khi lớn lên, đủ lông đủ cánh trở thành hai con gà trống, chúng lại hay cãi vã nhau. Con nào cũng tự cho mình đẹp đẽ, oai phong hơn, có quyền làm Vua của Nông Trại.
Một hôm sau khi cãi nhau, chúng đánh nhau kịch liệt, định rằng hễ con nào thắng sẽ được làm Vua của Nông Trại. Sau cùng, dĩ nhiên một con thắng và một con bại.
Con gà thắng trận vội nhảy lên hàng rào, vỗ cánh và cất tiếng gáy vang, ca tụng sự chiến thắng của mình. Chẳng ngờ tiếng gáy của con gà làm một con chim ưng khi bay ngang qua đấy chú ý đến. Thế là, con chim ưng xà xuống bắt con gà thắng trận mang đi mất. Trong khi đó con gà bại trận vẫn còn nằm thoi thóp thở.
Chúng ta phải thương yêu, và đùm bọc anh chị em trong nhà để người ngoài không hiếp đáp được.
Ca dao:
Khôn ngoan đối đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.
Chim tu hú và hai nhà vua
Khi chim ưng làm vua rất thích nghe bầy chim thổi sáo. Ngày hội nhạc, chim ưng cho một ngàn con chim cùng thổi sáo chung một lúc. Trong một ngàn con chim đó có Tu hú là không biết thổi, nhưng cũng cứ dựa phần vào để kiếm miếng ăn vua cho.
Khi chim ưng thôi giữ chức, chim Phượng hoàng được lên thay. Vua mới này cũng rất thích nghe thổi sáo, nhưng lại chỉ muốn nghe tiếng thổi của từng cây sáo một. Tu hú biết mình sắp bị lộ liền xin ra khỏi ban nhạc. Chim Hạc là nhạc trưởng thấy thế hỏi:
– Vì sao đang làm ăn khá thế mà xin nghỉ?
Tu hú đáp:
– Làm ăn chung thì dựa dẫm nhau được chứ làm ăn riêng thì biết dựa vào ai?
Thỏ và Bò
Thỏ bị Chó rượt đến lúc không làm sao trốn đi đâu được nữa. Bỗng Thỏ thấy Bò già đang đứng gặm cỏ ven đường, Thỏ liền vừa chạy vừa kêu cứu trong khi Chó xồm cũng vừa xồ đến.
Bò bèn đứng chắn ngang đường, lớn giọng “phì, phì” một cách hung hăng khiến Chó sợ quá cụp đuôi bỏ chạy.
Xong Bò quay lại hỏi Thỏ:
– Chắc gì ta sẽ bênh mi mà chạy tới cậy nhờ?
Thỏ đáp:
– Khi cái chết đã đến sau lưng thì người xa lạ trước mặt cũng tin là bạn huống hồ gì tôi và bác đã quen nhau!
Bài học hay từ những câu chuyện về các loài vật
Truyện cổ tích gắn liền với biết bao thế hệ trẻ em không chỉ ở Việt Nam mà còn trên khắp thế giới. Trong đó, các câu chuyện cổ tích loài vật cũng được nhiều trẻ nhỏ lắng nghe và yêu thích.
Mỗi câu chuyện cổ tích về các loài vật tuy ngắn gọn nhưng chứa đựng nhiều bài học hay, dạy bé kỹ năng sống cần thiết.
Mỗi câu chuyện cổ tích về các loài vật tuy ngắn gọn nhưng chứa đựng nhiều bài học hay, dạy bé kỹ năng sống cần thiết.
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/bai-hoc-lon-tu-nhung-cau-chuyen-co-tich-ve-cac-loa…
Theo Hạ Mây (thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)